Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Nỗi khổ của các nhà sản xuất phụ kiện cho iPhone 5

Người ta quan tâm nhiều đến iPhone 5 mà không để ý tới cuộc chạy đua không khác gì "đang đánh bạc" của giới sản xuất phụ kiện. 
Theo CNN, kinh doanh "đồ chơi" cho smartphone cũng cần phải đúng nơi và đúng thời điểm. Phụ kiện được coi là "phụ" nhưng thực ra gần như ai khi mua điện thoại mới, nhất là những smartphone mảnh mai, bóng bảy sẽ nghĩ ngay tới chuyện sắm vỏ (case) bảo vệ. Sau đó họ sẽ trang bị thêm những vật dụng khác tùy theo nhu cầu vào thời điểm mua hoặc trong vòng 3 tháng bởi đây là giai đoạn họ còn "nâng niu" thiết bị mới. 
case-jpg-1348051616_480x0.jpg
Một mẫu case dành cho iPhone 5.
Đối với nhà sản xuất phụ kiện cho Apple, sự song hành này gặp trở ngại lớn: Apple không bao giờ tiết lộ công khai về sản phẩm, đã thế thời gian giữa ngày công bố và ngày bán trên thị trường chỉ cách nhau vỏn vẹn một tuần cho đến 10 ngày (trong khi các hãng khác giới thiệu máy hàng tháng trời trước khi chính thức bán ra).
iPhone 5 trình làng ngày 12/9 và sẽ sớm lên kệ vào thứ 6 ngày 21/9. Thiết bị mỏng hơn, dài hơn, cổng kết nối mới, loa mới và hoàn toàn không hợp với bất cứ bộ case nào đã và đang được bán. Hàng triệu người đang có ý định mua iPhone 5 ngay trong ngày đầu, đồng nghĩa rất nhiều trong số đó có nhu cầu mua case mới, loa ngoài mới, dock mới... và đem lại những cơ hội kinh doanh lớn cho các công ty phụ kiện. 
Một khảo sát của hãng nghiên cứu ABI cho thấy 75% người tiêu dùng sẽ mua iPhone kèm case cùng thời điểm. Đây luôn được đánh giá là mảng kinh doanh hấp dẫn bởi những ai sở hữu điện thoại có giá cao như iPhone thường chăm chút cho thiết bị nhiều hơn so với khi mua điện thoại giá 1 triệu đồng. Trung bình mỗi người sở hữu smartphone chi thêm 56 USD cho các món đồ trang trí.
Các hãng phụ kiện lớn đều hiểu chìa khóa để sản phẩm của họ đến tay nhiều người tiêu dùng nhất có thể là phải xuất hiện trên các kệ hàng ngay khi khách hàng mua điện thoại. Nhưng chỉ một vài công ty may mắn được tham gia vào chương trình đặc biệt gọi là MFi của Apple, nơi họ được thông báo trước một số chi tiết kỹ thuật về sản phẩm nhưng phải ký hàng chục trang với cam kết không phát tán thông tin. Chẳng hạn, lần này Apple hợp tác với hãng loa Bose và một vài công ty bên thứ ba nữa.
Còn các công ty khác phải đợi đến tận ngày ra mắt, hoặc mạo hiểm sản xuất phụ kiện dựa trên hình ảnh bị lộ. Dù độ tin cậy của những nguồn rò rỉ đã tăng dần theo từng năm so với năm 2007 khi iPhone đời đầu xuất hiện, không có gì đảm bảo cho độ chính xác và nhiều hãng vẫn cảm thấy căng thẳng và hồi hộp trước nguy cơ tốn khoản tiền lớn vì cho ra lò phụ kiện theo tin đồn.
"Chúng tôi cũng chỉ có iPhone 5 khi nó được bán ra và chúng tôi cũng phải xếp hàng như bao người khác", Dave Gatto, CEO của công ty Incase ở San Francisco (Mỹ), nói.
Incase quyết định không sản xuất case mới trước thời điểm Apple công bố, nhưng họ cũng săn lùng thông tin trên các trang báo công nghệ để chuẩn bị tất cả những phương án có thể. Một nhóm chuyên gia được điều tới các nhà máy ở Trung Quốc để sẵn sàng đưa các mẫu case vào sản xuất ngay khi có lệnh, trong khi toàn bộ công ty túc trực trên máy tính để theo dõi trực tiếp lễ ra mắt sáng 12/9. Ngay chiều hôm đó, InCase đã phát đi thông cáo báo chí rằng những bộ case mới cho iPhone sẽ có mặt trên thị trường trong vòng 3 tuần sau đó.
Những mặt hàng đơn giản như case có thể dễ điều chỉnh và dễ ứng biến mỗi khi có thay đổi. Nhưng với nhiều nhà sản xuất phần cứng, cổng kết nối mới của Apple đúng là một thách thức thực sự. Các món đồ như loa, radio, đồng hồ kiêm dock kết nối iPhone mất nhiều thời gian sản xuất (7-9 tháng) và đòi hỏi chi phí cao, trong khi thông tin về iPhone 5 lại không chắc chắn khiến họ cảm thấy như đang trong một cuộc đặt cược đầy mạo hiểm.
Nhiều năm qua, tin đồn về sản phẩm Apple đã trở thành điều bình thường. Sự tò mò lớn đến mức cho dù Apple yêu cầu những bên liên quan (nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện, dây chuyền lắp ráp đóng gói, chuyên gia phát triển ứng dụng...) ký các thỏa thuận không tiết lộ thì vẫn có lỗ hổng để thông tin lọt ra ngoài không kiểm soát nổi. Người ta hay nghĩ tới Foxconn nhất mỗi khi có hình ảnh bị lộ, nhưng danh sách các nhà cung ứng cho Apple trong năm 2011 lên tới 97 công ty.
Những thay đổi nhỏ như vị trí của loa, tai nghe nằm dưới thay vì nằm trên... không có ý nghĩa nhiều với người tiêu dùng, nhưng đặc biệt quý giá với các công ty làm phụ kiện. Họ sẵn sàng chi khoản tiền không nhỏ để dụ các công nhân hay các giám sát phân xưởng tuồn vỏ máy ra ngoài hoặc tìm nhiều cách khác để không nằm ngoài cuộc khi iPhone ra đời.
Hiện giới sản xuất phụ kiện đang gấp rút phục vụ người tiêu dùng iPhone 5, nhưng cũng tập trung nghe ngóng thông tin về iPad Mini để lại tiếp tục đặt cược vào một cuộc đua mới.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét